Dòng vốn FDI được coi là một dòng vốn quan trọng của sự phát triển kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ. FDI không chỉ mang theo vốn mà còn cả những kỹ năng, công nghệ và kiến thức nâng cao đến các nước được rót vốn. Vậy vốn FDI là gì? Có tác động như thế nào đến các nước nhận đầu tư? Hãy cùng Vietcap theo dõi bài viết sau nhé.
FDI là gì?
FDI là viết tắt của cụm từ Foreign Direct Investment. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Vốn FDI là nguồn vốn từ nước ngoài, vì thế sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận vốn và với quốc gia đầu tư.
Tác động của FDI đến các nước nhận đầu tư
FDI là hình thức đầu tư không thể thiếu trong nền kinh tế của các quốc gia hiện nay. Vậy tác động của vốn FDI đến các quốc gia nhận đầu tư như thế nào?
Ưu điểm
- Dòng vốn FDI được các công ty nước ngoài dày dặn kinh nghiệm quản lý và điều hành. Các công ty thuộc đa lĩnh vực như sản xuất, đầu tư, tài chính,...
- Tận dụng được nguồn lao động trong nước cũng như tài nguyên khoáng sản để sản xuất. Từ đó giúp tăng cơ hội việc làm và đào tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn cao.
- Tăng quy mô sản xuất giúp giảm chi phí, tạo giá thành phù hợp giúp mọi người dân đều tiếp cận các loại hàng hóa một cách dễ dàng.
- Giảm thuế phí cũng như hàng rào bảo hộ mậu dịch của quốc gia thu hút FDI.
- Tăng cường nguồn vốn để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
- Tăng nguồn thu ngân sách cho cả 2 bên thu hút đầu tư lẫn nhà đầu tư.
- Phân bổ nguồn vốn từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển.
- Bên cạnh thu hút tài chính, các nước nhận đầu tư còn học hỏi được kinh nghiệm quản lý, khoa học kỹ thuật hiện đại và một yếu tố rất quan trọng đó là chuyển giao công nghệ sản xuất.
- Tạo ra mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các quốc gia.
Nhược điểm
- Nguồn vốn từ nước đầu tư sẽ mất đi do chuyển dòng tiền qua các nước nhận đầu tư.
- FDI có xu hướng chuyển đến các quốc gia có nguồn nhân lực trẻ, chi phí thấp để tạo ra nguồn lợi nhuận cao. Vậy nên tình trạng thất nghiệp ở nước đầu tư sẽ gia tăng.
- Các chính sách tại nước nhận đầu tư có thể bị thay đổi nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy có thể gây ra những ảnh hưởng, tác động gián tiếp cho các doanh nghiệp trong nước.
- Nước nhận đầu tư có thể bị phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI.
- Nước nhận đầu tư sẽ phải chấp nhận việc đánh đổi môi trường tự nhiên để đối lấy lợi ích về kinh tế.
Đặc điểm của vốn FDI
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI có những đặc điểm cơ bản sau:
- Mục đích chính là mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.
- Thu nhập mà các chủ đầu tư thu được là thu nhập kinh doanh, không phải lợi tức do đó lợi nhuận từ vốn đầu tư nước ngoài được xác định theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được đầu tư.
- Tùy theo quy định của từng quốc gia mà các chủ đầu tư nước ngoài cần phải đóng góp một tỷ lệ vốn trong vốn điều lệ hoặc vốn pháp định để xác định rõ quyền và nghĩa vụ cũng như lợi nhuận và rủi ro của mỗi bên.
- Các nhà đầu tư có quyền tự quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh, tự do lựa chọn lĩnh vực và hình thức đầu tư và tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình.
- Các nước nhận đầu tư cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng và các chính sách thu hút nguồn vốn FDI để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
- Phần lớn khi đầu tư FDI sẽ đi cùng với chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ thuật vượt trội nên nhờ đó những nước được đầu tư sẽ thực hiện các dự án một cách đơn giản và nâng cao năng suất làm việc.
Phân loại nguồn vốn đầu tư FDI
Tùy theo mỗi hình thức khác nhau và hoạt động FDI được phân loại khác nhau. Cụ thể như sau:
Theo hình thức xâm nhập
Đầu tư mới (new investment): Là việc một doanh nghiệp đầu tư để xây dựng toàn bộ cơ sở sản xuất hay cơ sở quảng bá, hành chính mới để phục vụ cho mục đích kinh doanh của mình.
Mua lại (Acquisitions): Là hình thức mà doanh nghiệp đó đầu tư hay mua lại xưởng sản xuất hoặc đơn vị đang hoạt động kinh doanh.
Sáp nhập (Merge): Đây là một hình thức đặt biệt theo hình thức mua lại. Trong đó 2 bên sẽ chung vốn để thành lập nên một công ty mới và lớn mạnh hơn. Thường thì cách thức này do các đơn vị có cùng quy mô hợp tác vì có thể dễ dàng hợp nhất các hoạt động kinh doanh và sản xuất trên cơ sở cân bằng tương đối.
Theo định hướng của nước nhận đầu tư
FDI thay thế nhập khẩu: Đây là hình thức doanh nghiệp FDI sản xuất và cung cấp các sản phẩm mà trước đây nước nhận đầu tư phải nhập khẩu. Thông thường có 1 số yếu tố ảnh hưởng nhiều đến hình hình thức FDI này đó là các rào cản thương mại, thị trường hoặc chi phí đầu tư vận tải,...
FDI tăng cường xuất khẩu: Hình thức FDI này nhắm đến thị trường xuất khẩu rộng lớn. Các yếu tố ảnh hưởng đến loại hình này là khả năng cung ứng đầu vào như giá mua nguyên vật liệu hoặc giá bán thành phẩm.
FDI theo các định hướng của chính phủ: Trong một số trường hợp, chính phủ của nước nhận đầu tư sẽ đưa ra những biện pháp khuyến khích đầu tư để điều chỉnh lại dòng vốn thu hút vào nước mình. Từ đó giúp giải quyết các vấn đề như tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán.
Theo hình thức pháp lý
Hợp đồng hợp tác kinh doanh: Là văn bản ký kết giữa hai hoặc nhiều bên đầu tư kinh doanh. Trong đó có quy định rõ ràng về trách nhiệm, tỷ lệ phân chia lợi nhuận của từng bên mà không phải thành lập pháp nhân mới.
Doanh nghiệp liên doanh: Là hình thức do hai hoặc nhiều bên hợp tác ký kết thành lập doanh nghiệp tại nước sở tại trên văn bản hợp đồng liên doanh. Một số trường hợp đặc biệt thì hình thức này còn là Hiệp định ký kết giữa các quốc gia.
Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: Là doanh nghiệp sở hữu hoàn toàn của nhà đầu tư nước ngoài và được thành lập tại quốc gia nhận đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ điều hành quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
BOT (Build - Operate - Transfer): Đây là hình thức đầu tư dưới dạng hợp đồng mà nhà nước nhận đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn xây dựng trước. Sau đó các nhà đầu tư tư nhân sẽ vận hành và khai thác một thời gian. Cuối cùng là chuyển giao lại. Bên cạnh BOT còn có 2 hình thức khác tương tự, đó là BT và BTO. Tùy vào từng công trình và mục đích khác nhau của nhà nước mà sẽ đưa ra loại hình phù hợp.
Thực trạng các doanh nghiệp FDI và thị trường chứng khoán Việt Nam
Việt Nam thực tế có nhiều điểm mạnh trong thu hút FDI, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Thứ nhất, tình hình an ninh, chính trị ổn định là điều kiện quan trọng để quyết định đặt nền móng hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới vừa là trung tâm kết nối của khu vực. Thứ ba, với số dân 100 triệu người, Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh.
Việc tham gia các tổ chức quốc tế, Hiệp định thương mại tự do cũng mở ra cơ hội kết nối Việt Nam với thị trường khu vực và thế giới. Bên cạnh các ưu đãi về thuế, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, và phù hợp với chuẩn mực quốc tế đã góp phần tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là của các tập đoàn đa quốc gia.
Thị trường chứng khoán và các nguồn vốn FDI có mối quan hệ tương đối phức tạp và tác động lẫn nhau. Các doanh nghiệp FDI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các cổ phiếu của mình lên sàn giao dịch chứng khoán, qua đó tăng cường vốn hóa thị trường và đưa tên tuổi của doanh nghiệp ra quốc tế.
Ngược lại, thị trường chứng khoán có thể trở thành một nguồn cung cấp vốn tài trợ cho các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI có thể chào bán cổ phiếu của mình trên sàn giao dịch chứng khoán để huy động vốn và tăng cường năng lực tài chính. Ngoài ra, thị trường chứng khoán cũng cung cấp cho các doanh nghiệp FDI một kênh để quản lý rủi ro tài chính, tăng cường sự minh bạch và nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán không ổn định. Khi giá cổ phiếu của doanh nghiệp FDI giảm, nó có thể gây ra sự lo ngại và làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, các doanh nghiệp FDI cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định đưa cổ phiếu của mình niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán. Nếu được thực hiện đúng cách, thị trường chứng khoán và các nguồn vốn FDI có thể tác động tích cực lẫn nhau, tăng cường năng lực tài chính và tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp FDI.
Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn khá vắng bóng trên thị trường chứng khoán nội địa. Thực tế trên chưa phản ánh đúng tầm quan trọng của doanh nghiệp FDI.
Trước đây, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một làn sóng các doanh nghiệp FDI lên sàn từ năm 2003 - 2008 sau khi Nghị định số 38/2003/NĐ-CP được ban hành.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện tại, chỉ có 6 doanh nghiệp FDI đang niêm yết trên HoSE và 3 doanh nghiệp khác đang giao dịch trên UpCOM. Các doanh nghiệp này bao gồm: Siam Brothers Vietnam (SBV), Everpia (EVE), Mirae (KMR), Tung Kuang (TKU), Gốm sứ Taicera (TCR), Taya Việt Nam (TYA), Hoàng Gia (RIC), Interfood (IFS), Chang Yih (CYC).
Đa số các doanh nghiệp FDI sau khi niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK đều hoạt động có lãi. Tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và chưa đạt hiệu quả, 3 doanh nghiệp FDI đã hủy niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ.. Ngoài các doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 51% cổ phần sau khi niêm yết như Sabeco - Thai Beverage, Imexpharm - SK Investment, các doanh nghiệp với gần 100% vốn đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ niêm yết tại Việt Nam còn chưa nhiều. Quy mô của các doanh nghiệp FDI niêm yết và đăng ký giao dịch còn nhỏ so với quy mô thị trường chứng khoán, tỷ trọng vốn hóa của các doanh nghiệp FDI niêm yết chiếm rất ít trong tổng vốn hóa thị trường, chỉ khoảng 0,3%.
Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp FDI chưa đáp ứng đủ điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, đa số các doanh nghiệp FDI đang niêm yết trên TTCK Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ được các cá nhân định cư lâu dài tại Việt Nam lập nên. Để thúc đẩy việc niêm yết các doanh nghiệp FDI lớn hơn trên TTCK Việt Nam, cần tiếp tục cải tổ thị trường tài chính.
Phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam được coi là cổ phiếu vốn hoá nhỏ, chưa phải là cổ phiếu blue-chip. Do đó, những cổ phiếu này vẫn chưa đóng góp đáng kể vào sự phát triển và tăng trưởng của thị trường nói chung.
FDI tác động đến thị trường chứng khoán như thế nào?
Mặc dù có nhiều trở ngại khi công bố thông tin và quy mô thị trường vốn còn thấp đã khiến nhiều doanh nghiệp FDI vắng bóng trên thị trường chứng khoán. Nhưng cũng không thể phủ nhận nhiều tác động tích cực của các dòng vốn FDI lên thị trường chứng khoán Việt Nam
- Doanh nghiệp tăng trưởng
- Việc dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ giúp một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có khả năng tăng trưởng tốt nhờ vào việc gia tăng được nguồn vốn, học hỏi công nghệ từ nước ngoài sẽ hỗ trợ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nếu các doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì trên thị trường chứng khoán chúng ta sẽ có cơ hội để đầu tư vào các doanh nghiệp này bởi trên thị trường chứng khoán bao gồm rất nhiều doanh nghiệp được niêm yết lên sàn.
- Thu hút nhiều quỹ đầu tư vào Việt Nam
Một trong các động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) vẫn đang tăng mạnh - yếu tố thể hiện phần nào niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế với nền kinh tế Việt Nam.
- Việc FDI đổ vào Việt Nam mạnh mẽ sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt.
- Từ đó sẽ thu hút được nhiều quỹ đầu tư đầu tư đổ vào Việt Nam để đầu tư vào các doanh nghiệp có sự tăng trưởng.
- Bổ sung nguồn ngoại tệ
- Trước đây, Việt Nam bị áp lực về chênh lệch tỷ giá, nếu Việt Nam không tăng lãi suất sẽ dẫn đến dòng vốn đầu tư bị rút khỏi Việt Nam.
- Vậy nên việc thu hút FDI sẽ giúp bổ sung nguồn ngoại tệ từ đồng USD. Khi đồng USD tăng thì Việt Nam sẽ không bị sức ép tỷ giá, từ đó dẫn đến sẽ không bị tình trạng chảy nguồn vốn đầu tư, hay sự rút ròng từ khối nhà đầu tư nước ngoài.
- Ngành BĐS Khu công nghiệp hưởng lợi
- Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm trong khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN-KKT) đang chiếm khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước.
- Trong năm 2022, nhiều tập đoàn lớn của Thế giới đã công bố hàng loạt dự án có quy mô tại Việt Nam. Tháng 11/2022, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) khởi công nhà máy có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD. Dự kiến nhà máy tạo ra 4,000 việc làm khi đi vào hoạt động năm 2024, giúp củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Lego.
Apple hiện đang sản xuất iPad tại Việt Nam cũng đang xem xét sản xuất Apple Watch và Macbook “Made in Vietnam” đầu tiên. Apple đã nâng hệ sinh thái chuỗi cung ứng lên 21 nhà cung cấp tại Việt Nam, so với con số 14 của năm 2018. Con số này thậm chí còn cao hơn so với tình hình của Thái Lan (chỉ có 15 nhà cung cấp) và Ấn Độ (9 nhà cung cấp).
=> Như vậy, việc dòng vốn FDI liên tục đổ vào Việt Nam sẽ giúp ngành Khu công nghiệp được hưởng lợi lớn. Đặc biệt là các khu công nghiệp có sẵn mặt bằng đất sạch, khu kinh tế… sẵn sàng đáp ứng cho các nhà máy chuyển sang dễ dàng và xây dựng nhà máy mới.
Tham khảo:
- Kinh tế tuyến tính (Linear Economy) là gì?
- Định chế tài chính là gì? Vai trò đối với nền kinh tế