Suy thoái kinh tế là gì?
Suy thoái kinh tế là sự suy giảm đáng kể trong các hoạt động kinh tế như sự suy giảm GDP hay tổng sản phẩm quốc nội trong một khoảng thời gian kéo dài (thời gian hai hoặc hơn hai quý liên tiếp trong năm).
Các biểu hiện của suy thoái kinh tế:
- Đồng USD tăng mạnh
- Vận tải biển suy yếu
- Dự báo bi quan về tổng sản phẩm quốc nội (“GDP”)
- Nhu cầu dầu mỏ yếu
- Thị trường chứng khoán suy giảm
- Biến động Thị trường lao động
- Bất ổn chính trị, mâu thuẫn chính sách
- Điều kiện tín dụng
- Lãi suất trái phiếu
- Nợ xấu gia tăng
- Các yếu tố ngoại sinh như thời tiết hay chiến tranh
Đồng USD tăng mạnh
USD có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Đồng Đô la Mỹ luôn được coi là kênh an toàn để gửi tiền. Trước sự tăng giá của đồng USD, các ngoại tệ khác như Bảng Anh, Euro, Nhân dân tệ, đồng Yên và nhiều đồng tiền khác đã giảm giá. Điều này khiến các quốc gia phải phải chi nhiều chi phí hơn khi nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên vật liệu… Hàng hóa nhập khẩu vào các nước đắt hơn làm tăng thêm áp lực lạm phát hiện có, gây khó khăn cho các Doanh nghiệp và chính phủ vay bằng USD. Đáp lại, các ngân hàng trung ương lớn cũng sẽ tăng lãi suất cao hơn để kiềm chế lạm phát. Đồng thời, để nâng cao giá trị đồng tiền, các ngân hàng có thể đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Vận tải biển suy yếu
Vận tải biển là một chỉ báo quan trọng về “sức khỏe” của tài chính toàn cầu, bởi lẽ phần nhiều hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng phương thức này. Những hàng hóa đó bao gồm mọi thứ từ dầu thô, nguyên vật liệu, nông sản cho tới ôtô xe máy. Sự suy giảm trong hoạt động vận tải là một dấu hiệu cho thấy suy thoái trên toàn cầu đang ở rất gần.
Dự báo bi quan về GDP
Khi các tổ chức kinh tế toàn cầu đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP. Thêm vào đó là những báo cáo không khả quan về tình hình kinh tế, giá cả thị trường, sự biến động của thị trường tài chính,… tất cả những yếu tố cản trở kinh tế tăng trưởng. Nếu như các tổ chức độc lập cùng đưa ra những dự báo giống nhau thì khả năng rất lớn là quốc gia hay thế giới đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế.
Nhu cầu dầu mỏ yếu
Nhu cầu về dầu mỏ quyết định rất lớn đến tình hình tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Nếu như nhu cầu tiêu thụ dầu giảm thì đó là báo hiệu cho sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán suy giảm
Sự suy giảm trên thị trường chứng khoán cũng là minh chứng rõ ràng cho sự suy thoái kinh tế. Chỉ số trên sàn chứng khoán chính là những con số biết nói cho biết tình hình kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi khu vực.
Bất ổn chính trị, mâu thuẫn chính sách
Một trong những dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế trên toàn thế giới sắp diễn ra đó là việc xảy ra mâu thuẫn trong các chính sách tài khóa tiền tệ ở một số nền kinh tế lớn. Khi quốc gia có sự xung đột về kinh tế, tài chính, chính trị rõ ràng nhất thì đó là dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế đang đến gần .
Biến động Thị trường lao động
Tỷ lệ thất nghiệp cao báo hiệu một cuộc suy thoái kinh tế đang đến gần. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc sáp nhập thậm chí là giải thể dẫn đến việc tái cơ cấu lại lao động, cắt giảm nhân sự, tính giảm biên chế, nhân viên thời vụ sẽ là những người đầu tiên mất việc, mất đi nguồn thu nhập.
Ngoài ra, dữ liệu về tiền lương tháng sẽ cho thấy biểu hiện về tình hình của thị trường lao động một cách rõ rệt hơn. Thu nhập của người dân giảm, ảnh hưởng đến cơ cấu GDP, cơ cấu GDP là căn cứ nhận định sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Vào thời điểm các công ty ngừng tuyển dụng thêm nhân công hoặc thậm chí là sa thải nhân công, thu nhập của lao động giảm sút, đó là biểu hiện mầm mống của một cuộc suy thoái.
Điều kiện tín dụng
Một trong những dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế là tình trạng Thu hẹp tín dụng. Khi các Ngân hàng nhận thấy chiều hướng đi xuống của hoạt động kinh tế và những rủi ro trong tương lai của các khoản vay, ngân hàng sẽ thận trọng hơn với các khoản cho vay mới, quy định trần tín dụng và yêu cầu giảm tỷ lệ cho vay ở các ngành có rủi ro cao dẫn đến điều kiện vay vốn của các Doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn đặc biệt các Doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lãi suất trái phiếu
Đường cong lãi suất trái phiếu là một trong những tín hiệu của một cuộc suy thoái.
Trong lĩnh vực tài chính, đường cong lãi suất trái phiếu (yield curve) là đường thể hiện các mức lãi suất khác nhau đối với các khoản vay có giá trị ngang nhau nhưng kỳ hạn khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát.
Lạm phát thường đồng nghĩa với sự tăng trưởng kinh tế. Lạm phát tăng sẽ khiến lượng trái phiếu mua vào cao hơn để lấy lãi suất bù đắp vào khoản mất giá. Do đó, đường cong lãi suất phản ánh tác động của thị trường đối với nền kinh tế, lạm phát là nguyên nhân chính.
Theo nguyên tắc lãi suất dài hạn sẽ cao hơn so với lãi suất ngắn hạn. Khi xảy ra trường hợp lãi suất dài hạn lại thấp hơn so với lãi suất ngắn hạn thì đường cong lãi suất sẽ có dấu hiệu đảo ngược. Yếu tố này dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm.
Nợ xấu gia tăng
Nền kinh tế được cho là không tốt khi số lượng người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng. Thất nghiệp, thiếu việc làm, mức lương thấp trong khi lạm phát gia tăng sẽ làm tăng nguy cơ nợ xấu của các cá nhân. Đối với nợ xấu của Chính phủ, việc thiếu nguyên liệu sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng phải đi vay các quốc gia khác, trong thời gian kéo dài, nền kinh tế không có chuyển biến tích cực sẽ dẫn đến nợ xấu.
Yếu tố ngoại sinh
Ngoài các yếu tố trên, các yếu tố ngoại sinh như thời tiết hay chiến tranh có thể tự chúng gây ra suy thoái kinh tế nhất thời. Khi các cuộc chiến càng kéo dài, thì kim ngạch xuất khẩu của những nền kinh tế này càng bị ảnh hưởng sâu rộng hơn.
Hậu quả của suy thoái nền kinh tế
- Đối với hoạt động thương mại toàn cầu
- Đối với hoạt động xuất khẩu
- Đối với hệ thống tài chính – ngân hàng
- Đối với vốn đầu tư của nước ngoài
- Đối với hoạt động của thị trường chứng khoán (“TTCK”)
- Đối với thị trường Bất động sản (“BĐS”)
- Đối với thị trường hàng hoá và dịch vụ
- Đối với giá trị tiền tệ
- Đối với vấn đề về chính trị, xã hội
Đối với hoạt động Thương mại toàn cầu
Nếu sản lượng lẫn nhu cầu của nền kinh tế giảm, tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế dẫn đến sự sụt giảm trong nhập khẩu của các hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa cơ bản và các nguyên liệu vật liệu từ nước ngoài cũng sẽ giảm theo đó. Tình hình thương mại sẽ đi xuống khi có yếu tố tác động của suy thoái kinh tế.
Đối với hoạt động xuất khẩu
Mất việc làm, giảm thu nhập, người dân tại các thị trường này cũng phải cắt giảm chi tiêu dẫn đến nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hoá xuất khẩu sẽ có xu hướng giảm.
Đồng thời, kinh tế suy thoái khiến hoạt động giao thương trở nên khó khăn hơn, mọi thứ bị đình trệ, từ dầu thô, nông sản, nguyên vật liệu, xe cộ,… tất cả đều ứ đọng, không lưu thông, hàng hóa xuất khẩu bị tồn đọng, dẫn đến một số nhà xuất khẩu giảm giá hàng xuất khẩu để tiêu thụ lượng hàng hoá xuất khẩu bị tồn đọng khiến cho sự cạnh tranh trong xuất khẩu vào các thị trường lớn trở nên khốc liệt hơn.
Đối với hệ thống tài chính – ngân hàng
Nếu nền kinh tế đi xuống, ngân hàng trung ương sẽ không thể sử dụng các công cụ tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế do việc làm này sẽ làm gia tăng lạm phát của quốc gia. Do đó, có thể thấy rằng năng lực trợ giúp của ngân hàng đối với nền kinh tế suy thoái gặp nhiều trở ngại. Đồng thời, lợi nhuận của nhiều ngân hàng có thể giảm, thậm chí một số ngân hàng nhỏ có thể thua lỗ; nợ xấu tăng lên; nên hệ thống ngân hàng tài chính có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Đối với vốn đầu tư của nước ngoài
Suy thoái kinh tế ảnh hưởng rộng trên thị trường tài chính, chi phí vốn trở nên đắt đỏ hơn. Các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn, hoặc có xu hướng thận trọng hơn trong quyết định đầu tư khi các thị trường lớn của họ đang gặp khó khăn. Có thể các nhà đầu tư ngoại sẽ rút vốn khỏi thị trường nơi xảy ra suy thoái kinh tế để ứng cứu cho công ty mẹ tại các thị trường lớn.
Khi các ngân hàng gặp khó khăn, nhiều hợp đồng vay vốn sẽ không được ký kết hoặc không thể giải ngân được và thị trường xuất khẩu có khả năng bị thu hẹp nên dòng vốn chảy vào thị trường bị giảm sút là không tránh khỏi.
Đối với hoạt động của TTCK
Suy thoái kinh tế ảnh hưởng xuất khẩu, nợ vay ngắn hạn của các ngân hàng, hoạt động của các tổ chức tài chính, tín dụng… Do đó các doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK sẽ không tránh khỏi tác động xấu, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, theo đó giá cổ phiếu có thể sụt giảm.
Đồng thời, suy thoái kinh tế cũng tác động mạnh mẽ đến tâm lý của các nhà đầu tư chứng khoán, TTCK lập tức bị tác động xấu vì những lo ngại của các nhà đầu tư trong nước.
Đối với thị trường BĐS
Thị trường BĐS có mối liên hệ mật thiết với thị trường vốn và tài chính. Hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS đòi hỏi một lượng vốn rất lớn. Tiềm lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh BĐS phần lớn phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài mà chủ yếu là vốn vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Đây là một khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong điều kiện khủng hoảng tài chính hiện nay.
Thị trường hàng hoá và dịch vụ: Sức cầu giảm
Sức cầu giảm cả trong sản xuất và tiêu dùng. Trong tình hình kinh tế đang suy thoái, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh, thu hẹp quy mô do chi phí sản xuất tăng đặc biệt là lãi vay ngân hàng. Các hoạt động dịch vụ sẽ bị thu hẹp khi lượng khách du lịch giảm.
Đối với giá trị tiền tệ: Đồng tiền suy yếu
Lạm phát gia tăng dẫn đến tình trạng giá trị đồng tiền của các quốc gia giảm mạnh. Đồng tiền mất giá sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế không chỉ tác động đến một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu với các quốc gia khác.
Đối với vấn đề về chính trị, xã hội: Gia tăng vấn đề về chính trị, xã hội
Tác động của sự suy thoái làm tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia gia tăng, dù là nước kém phát triển hay đang phát triển cũng không thể tránh khỏi tình trạng này. Thất nghiệp gia tăng, nhiều người không có việc làm, không có thu nhập có thể dẫn tới các vấn đề xấu về chính trị, xã hội.