Lạm phát là một trong những khái niệm quan trọng trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Đây là chủ đề thường được đề cập trong các cuộc trò chuyện về tình hình tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến lựa chọn đầu tư, và cách chính phủ quản lý nền kinh tế. Tuy nhiên, bạn có biết rằng nếu lạm phát tiếp tục tăng lên, có thể dẫn đến một hiện tượng được gọi là "vòng xoáy lạm phát"? Vậy vòng xoáy lạm phát là gì? Và tác động đến thị trường như thế nào.
Vòng xoáy lạm phát là gì?
Vòng xoáy lạm phát (hay còn gọi là "inflationary spiral" trong tiếng Anh) là một hiện tượng kinh tế khi lạm phát tăng lên một cách đáng kể và tạo ra một chu kỳ tăng giá liên tục, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Hiện tượng này thường bắt đầu từ việc tăng giá của hàng hóa và dịch vụ cơ bản, khiến người tiêu dùng phải trả nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của họ.
Ví dụ, nếu giá xăng dầu tăng lên, điều này sẽ tạo áp lực tăng giá cho nhiều mặt hàng và dịch vụ khác, bởi vì năng lượng là một yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Khi giá cơ bản tăng lên, người tiêu dùng sẽ cảm thấy sức mua của họ bị suy giảm. Điều này có thể khiến họ yêu cầu mức lương cao hơn để đối phó với tình hình lạm phát, và do đó, các doanh nghiệp phải tăng lương cho nhân viên.
Nhưng tăng lương cũng làm tăng chi phí sản xuất, và để bù đắp cho chi phí cao hơn, doanh nghiệp có thể tăng giá sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Điều này lại tiếp tục tạo áp lực tăng giá và làm cho lạm phát trở nên tự nhiên.
Cách vòng xoáy lạm phát hoạt động
Vòng xoáy lạm phát là một hiện tượng kinh tế phức tạp và có nhiều nguyên nhân gắn liền với nhau. Dưới đây là cách vòng xoáy lạm phát hoạt động:
- Bắt đầu từ tăng cung tiền: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vòng xoáy lạm phát thường bắt đầu từ sự gia tăng nguồn cung tiền trong nền kinh tế. Điều này có thể xảy ra khi ngân hàng trung ương hoặc chính phủ in thêm tiền, giảm thuế quá mức, hoặc mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính.
- Tăng cầu: Sự gia tăng cung tiền thường dẫn đến sự gia tăng cầu tiêu dùng và đầu tư. Người tiêu dùng có nhiều tiền hơn để mua sắm và đầu tư vào tài sản, trong khi doanh nghiệp có nhiều vốn hơn để mở rộng sản xuất hoặc đầu tư vào dự án mới.
- Tăng giá cả: Do sự gia tăng cầu mạnh mẽ, giá cả bắt đầu tăng. Người tiêu dùng và doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để mua sắm và các yếu tố sản xuất, từ đó đẩy giá lên.
- Tăng lương: Với sự khan hiếm nguồn lao động do sự tăng cầu mạnh mẽ, các công nhân và người lao động thường yêu cầu tăng lương. Sự tăng lương này cũng góp phần làm tăng chi phí sản xuất.
- Tăng chi phí sản xuất: Do giá cả và lương tăng, các doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm hoặc dịch vụ của họ để đảm bảo lợi nhuận. Điều này dẫn đến một vòng xoáy, vì giá cả tăng dẫn đến yêu cầu tăng lên nữa.
- Tăng lãi suất: Để kiểm soát lạm phát và ngăn chặn vòng xoáy lạm phát, ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn làm cho việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, giảm cầu tiêu dùng và đầu tư, và làm giảm cung tiền trong nền kinh tế.
- Kết quả của vòng xoáy: Sự tăng giá cả và lạm phát liên tục tăng, và tăng lãi suất có thể làm giảm tốc độ tăng của chúng. Tuy nhiên, quá trình này có thể là một chu kỳ lặp đi lặp lại nếu không có các biện pháp kiểm soát lạm phát hiệu quả.
Tác động của vòng xoáy lạm phát
Vòng xoáy lạm phát có những tác động phức tạp và tiêu cực đối với nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày của người dân.
- Đầu tiên, lạm phát làm giảm giá trị của tiền tệ, dẫn đến việc mất giá trị của tiền mặt và tiền tiết kiệm. Người tiêu dùng phải trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ cơ bản, từ thực phẩm đến xăng dầu và nhà ở. Điều này gây áp lực tài chính lên người dân và làm giảm sức mua của họ.
- Thứ hai, lạm phát tạo ra sự không chắc chắn trong kinh doanh. Do giá cả không ổn định, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc dự đoán và quản lý chi phí. Điều này có thể dẫn đến sự không chắc chắn về tài chính doanh nghiệp và làm trì hoãn quyết định đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh.
- Thứ ba, lạm phát có tác động tiêu cực đến việc tiết kiệm và đầu tư. Khi giá trị tiền mặt giảm đi, người dân và nhà đầu tư thấy khó khăn trong việc bảo vệ và gia tăng giá trị của tài sản của họ. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc tiết kiệm cho tuổi già và tạo động lực đầu tư dài hạn.
- Cuối cùng, lạm phát không phân phối công bằng giữa các tầng lớp xã hội. Những người có thu nhập thấp thường phải đối mặt với sự gia tăng giá cả mạnh mẽ hơn so với những người giàu có. Điều này có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và làm suy yếu sự bình đẳng trong xã hội.
Nhìn chung, vòng xoáy lạm phát có tác động đa chiều, từ việc làm mất giá trị tiền tệ đến sự không chắc chắn kinh doanh và ảnh hưởng xấu đến tiết kiệm và đầu tư, đồng thời tạo ra sự không công bằng xã hội. Điều này đòi hỏi sự quản lý kỷ luật và biện pháp chống lạm phát hiệu quả để đối phó với những tác động này.
Ai là nạn nhân trước sức ép của lạm phát?
Lạm phát luôn luôn và bất kỳ đâu cũng là hiện tượng tiền tệ, giá cả hàng hóa và là vấn đề mãn tính của nền kinh tế thị trường ở mọi quốc gia. Lạm phát ảnh hưởng đến các nền kinh tế theo nhiều cách tích cực và tiêu cực khác nhau. Tuy nhiên khi lạm phát xảy ra quá cao thì hầu hết mọi thành phần của nền kinh tế đều trở thành nạn nhân của lạm phát và đâu là thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất? Hãy cùng Vietcap theo dõi bài viết sau.
Lạm phát là gì?
Trong kinh tế học vĩ mô thì lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
Cụ thể lạm phát trong nước sẽ được tính bằng sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung hầu hết các hàng hoá và dịch vụ so với thời điểm một năm trước đó. Như vậy tình trạng lạm phát được đánh giá bằng cách so sánh giá cả của hai loại hàng hoá vào hai thời điểm khác nhau, với giả thiết chất lượng không thay đổi.
Ví dụ: Năm 2022 bạn mua 1 ổ bánh mì với giá 12.000 đồng, nhưng đến năm 2023 bạn mua 1 ổ bánh mì cũng như vậy nhưng với giá 15.000 đồng. Thì đây chính là sự mất giá của đồng tiền, còn gọi là lạm phát.
Ảnh minh hoạ
Khi so sánh với các nước khác thì lạm phát là sự giảm giá trị tiền tệ của một quốc gia này so với các loại tiền tệ của quốc gia khác. Theo nghĩa đầu tiên thì người ta hiểu lạm phát của một loại tiền tệ tác động đến phạm vi nền kinh tế một quốc gia, còn theo nghĩa thứ hai thì người ta hiểu lạm phát của một loại tiền tệ tác động đến phạm vi nền kinh tế sử dụng loại tiền tệ đó.
Phân loại lạm phát
Lạm phát vừa phải, còn gọi là lạm phát một con số: Lạm phát không phải bao giờ cũng gây nên những tác hại cho nền kinh tế. Khi tốc độ lạm phát vừa phải đó là từ 2-5% ở các nước phát triển và dưới 10% ở các nước đang phát triển sẽ mang lại một số lợi ích cho nền kinh tế như kích thích tiêu dùng, vay nợ, đầu tư, giảm bớt thất nghiệp trong xã hội…Khi nền kinh tế có thể duy trì, kiềm chế và điều tiết được lạm phát ở tốc độ vừa phải thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát phi mã: xảy ra khi giá cả tăng tương đối nhanh với tỷ lệ 2 hoặc 3 con số trong một năm. Trong giai đoạn này người dân có xu hướng tích trữ hàng hoá, vàng bạc hay cả bất động sản và cho vay tiền ở mức lãi suất bất bình thường. Nếu lạm phát phi mã xảy ra nhiều và thường xuyên sẽ sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng lớn và cả những sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế một cách nghiêm trọng. Đồng tiền bị mất giá nghiêm trọng (theo nghĩa đó, hệ thống ngân hàng không hoạt động được => thị trường tài chính bị phá vỡ, gây biến dạng nghiêm trọng nền kinh tế)
Siêu lạm phát: xảy ra khi lạm phát đột biến tăng lên với tốc độ cao, vượt xa lạm phát phi mã, loại lạm phát này biểu hiện ở tỷ lệ từ 4-5 con số trở lên. Loại lạm phát này ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế xã hội, các hoạt động kinh tế rơi vào tình trạng rối loạn và đây cũng chính là thảm họa đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng ít khi xảy ra và để khắc phục chính phủ nên can thiệp bằng cách đổi tiền để giữ lấy giá của đồng tiền.
Nhà đầu tư cũng cần phân biệt lạm phát và giảm phát
Hiện tượng lạm phát xảy ra khi nào?
Khi đổi hàng, bạn nên tạm coi tiền tệ như một vật phẩm trao đổi. Nếu một mặt hàng có giá, nó sẽ được đổi lấy nhiều hơn một mặt hàng khác. Đô la Mỹ (USD) là một loại tiền tệ có giá trị mà bạn có thể sử dụng để mua hàng hóa ở bất cứ đâu vì nó là một loại tiền tệ có giá trị và được hỗ trợ phổ biến. Và ở một đất nước mà nền sản xuất yếu kém và hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa đang tăng cao. Nếu giá cả tăng lên, bạn phải chi nhiều tiền hơn cho món hàng. Nhưng khi tiền tệ quá bất tiện, nhà nước sẽ in tiền giấy mệnh giá lớn để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa gọn gàng hơn. Khi đó lạm phát bắt đầu xảy ra. Có nhiều lý do, nhưng "cầu kéo" và "đẩy chi phí" được coi là hai lý do chính.
Lạm phát do cầu kéo
Đây là một trong những nguyên nhân chính nhất dẫn đến tình trạng lạm phát của nền kinh tế thị trường. Theo đó, lạm phát do cầu kéo có thể hiểu là tình trạng tăng giá của một mặt hàng nào đó và kéo theo đó giá cả của các mặt hàng khác cũng tăng theo.Do đó, có thể hiểu đơn giản là lạm phát do cầu kéo là việc mất giá của đồng tiền khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng lên, kéo theo đó các mặt hàng khác cũng tăng theo.
Có thể ví dụ về lạm phát do cầu kéo như sau: Hiện nay, giá xăng ở nước ta ngày càng tăng,thậm chí có lúc giá xăng đã tăng đến gần 33.000 đồng/lít xăng. Kéo theo đó, giá cước xe khách, cước xe taxi… tăng theo. Đây chính là biểu hiện của lạm phát do cầu kéo.
Lạm phát do chi phí đẩy
Dạng lạm phát này xảy ra khi các chi phí của doanh nghiệp như nguyên liệu, máy móc, bảo hiểm, tiền lương…. tăng lên. Khi giá cả của các yếu tố sản xuất tăng kéo theo là sự tăng lên về giá cả của một số sản phẩm của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho chính doanh nghiệp đó. Mức giá chung của toàn thể nền kinh tế tăng lên được gọi là “lạm phát do chi phí đẩy”.
Lạm phát do cầu thay đổi
Khi thị trường giảm nhu cầu tiêu thụ về một mặt hàng nào đó, trong khi lượng cầu về một mặt hàng khác lại tăng lên. Nếu thị trường có người cung cấp độc quyền và giá cả có tính chất cứng nhắc phía dưới (chỉ có thể tăng mà không thể giảm, như giá điện ở Việt Nam), thì mặt hàng mà lượng cầu giảm vẫn không giảm giá. Trong khi đó mặt hàng có lượng cầu tăng thì lại tăng giá. Kết quả là mức giá chung tăng lên, dẫn đến lạm phát
Lạm phát do cơ cấu
Với ngành kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp tăng dần tiền công “danh nghĩa” cho người lao động. Nhưng cũng có những nhóm ngành kinh doanh không hiệu quả, doanh nghiệp cũng theo xu thế đó buộc phải tăng tiền công cho người lao động. Nhưng vì những doanh nghiệp này kinh doanh kém hiệu quả, nên khi phải tăng tiền công cho người lao động, các doanh nghiệp này buộc phải tăng giá thành sản phẩm để đảm bảo mức lợi nhuận và làm phát sinh lạm phát.
Lạm phát do xuất khẩu
Khi hàng hoá xuất khẩu tăng dẫn đến lượng hàng hoá tiêu thị của thị trường nhiều hơn số lượng hàng hóa cung cấp (tổng cầu > tổng cung). Kéo theo đó, hàng hoá sẽ được thu gom để xuất khẩu khiến lượng hàng cung cấp cho thị trường trong nước giảm mạnh. Khi đó, giá cả của các hàng hoá bị giảm sút do bị thu gom cho xuất khẩu cũng tăng theo và xảy ra tình trạng lạm phát.
Ví dụ: Khi xuất khẩu hàng nông sản tăng mạnh thì phần lớn nông sản trong nước sẽ được cung cấp để xuất khẩu đi thị trường nước ngoài dẫn đến hàng nông sản dùng để bán trong nước giảm sút, dẫn đến tình trạng giá bán nông sản tăng cao và xảy ra lạm phát.
Lạm phát do nhập khẩu:
Bên cạnh nguyên nhân lạm phát do xuất khẩu thì tình trạng lạm phát do nhập khẩu cũng là một trong những lí do của lạm phát. Theo đó, khi thuế nhập khẩu tăng hoặc giá cả trên thế giới cũng tăng thì giá hàng hoá nhập khẩu cũng tăng. Kéo theo đó, giá bán của sản phẩm đó trong nước cũng tăng theo và đến mức độ nào đó sẽ dẫn đến lạm phát.
Ví dụ: Giá mặt hàng phân bón trên thế giới hiện tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu 100% phân NPK.
Lạm phát tiền tệ:
Khi cung lượng tiền lưu hành trong nước tăng, chẳng hạn do ngân hàng trung ương mua ngoại tệ vào để giữ cho đồng tiền trong nước khỏi mất giá so với ngoại tệ; hay do ngân hàng trung ương mua công trái theo yêu cầu của nhà nước làm cho lượng tiền trong lưu thông tăng lên cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát
Ai sẽ là nạn nhân của lạm phát?
Khi lạm phát xảy ra thì hầu hết mọi thành phần của nền kinh tế đều trở thành nạn nhân của lạm phát, bởi nhìn một cách tổng thể thì mỗi người đều là người tiêu dùng. Tuy nhiên tác động của lạm phát được cảm nhận không đồng đều bởi các nhóm cá nhân khác nhau trong nền kinh tế quốc dân, một số nhóm người kiếm được bằng cách kiếm được tài sản lớn và một số nhóm khác mất đi.
Ví dụ: Chủ nợ và con nợ: Trong thời kỳ lạm phát, các chủ nợ thua lỗ vì họ nhận được hàng hóa và dịch vụ ít hơn so với thực tế họ đã nhận được khoản hoàn trả trong thời kỳ giá cả thấp. Mặt khác, các con nợ là một nhóm thu lợi trong thời kỳ lạm phát, vì họ trả nợ bằng đơn vị tiền tệ đã mất giá (tức là cùng một đơn vị tiền tệ bây giờ sẽ mua ít hàng hóa và dịch vụ hơn)
Ai là nạn nhân của lạm phát? - Theo đánh giá chung thì 3 thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất là:
Người về hưu: Lương hưu là một trong những “hàng hoá” ổn định nhất về giá cả, thường chỉ được điều chỉnh tăng lên đôi chút sau khi giá cả hàng hóa đã tăng lên gấp nhiều lần.
Những người gửi tiền tiết kiệm: Hẳn nhiên sự mất giá của đồng tiền khiến cho những người tích trữ tiền mặt nói chung và những người gửi tiền tiết kiệm đánh mất của cải nhanh nhất.
Những người cho vay nợ: Khoản nợ trước đây có thể mua được một món hàng nhất định thì nay chỉ có thể mua được những món hàng có giá trị thấp hơn. Vậy ai là người được hưởng lợi? Có lẽ khi đồng tiền mất giá dần thì người sung sướng nhất chính là những con nợ vì nay khoản nợ họ phải trả có vẻ nhẹ gánh hơn.
Giảm phát là gì? Phân biệt lạm phát và giảm phát
Giảm phát và lạm phát là các thuật ngữ kinh tế vĩ mô thường gặp trong quá trình phân tích tình hình kinh tế của một nền kinh tế. Ở bài viết trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu bản chất của lạm phát là gì. Trong bài viết này, Vietcap sẽ cùng nhà đầu tư tìm hiểu thuật ngữ còn lại: Giảm phát là gì? Nguyên nhân gây ra giảm phát và những tác động của nó đến nền kinh tế như thế nào? Hay lạm phát hay giảm phát thì có lợi hơn đối với nền kinh tế?... Tất cả sẽ được Vietcap đề cập trong bài viết này.
Giảm phát có đáng lo không? Lạm phát hay giảm phát thì có lợi hơn đối với nền kinh tế?
Giảm phát là gì?
Giảm phát (Tiếng Anh: Deflation) chỉ sự suy giảm chung của mức giá cả hàng hóa và dịch vụ, thường liên quan đến sự giảm cung tiền và tín dụng. Nó cũng có thể được gọi là lạm phát âm vì tỷ lệ dưới 0%. Nói một cách đơn giản hơn, giảm phát dẫn đến việc người tiêu dùng có thể mua nhiều hơn những gì họ có thể trước đây với cùng một số tiền. Sự giảm giá chung này có thể được coi là một điều tốt vì nó mang lại cho người tiêu dùng sức mua lớn hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giảm phát kéo dài hoàn toàn gây ra bất lợi cho nền kinh tế. Nó có thể dẫn đến suy thoái, bất ổn hoặc thậm chí là tàn phá nền kinh tế.
Có thể chúng ta nghe thấy từ lạm phát được đề cập rất là thường xuyên trong các chương trình kinh tế. Tuy nhiên, người anh em của nó – giảm phát lại ít được nhắc tới hơn hẳn. Một phần là vì tình trạng này rất ít khi xảy ra. Và thực tế cũng không có mấy ai hy vọng giảm phát xảy ra cả. Bởi so với lạm phát, giảm phát có thể có sức tàn phá mạnh hơn hẳn. Có kha khá lý do để nhiều nhà kinh tế xem giảm phát là “con quỷ dữ” của nền kinh tế. Giảm phát dài hạn rất có thể sẽ chuyển thành suy thoái và do đó, rất nguy hiểm đối với nền kinh tế: Nó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính với gia tăng nghèo đói, mất việc làm, phá sản, vỡ nợ và dòng đầu tư ra khỏi nền kinh tế.
Những thay đổi về giá tiêu dùng có thể đo lường thông qua số liệu thống kê kinh tế được tổng hợp ở hầu hết các quốc gia bằng các so sánh những thay đổi của một số hàng hóa và sản phẩm đa dạng với một chỉ số đó là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là chỉ số được tham chiếu phổ biến nhất để đánh giá tỷ lệ lạm phát, một khi chỉ số này trong một thời kỳ thấp hơn so với thời kỳ trước, tức là mức giá chung đã giảm cho thấy nền kinh tế đang trải qua giảm phát.
Nguyên nhân gây ra giảm phát là gì?
John Maynard Keynes đã phát triển một lý thuyết có hệ thống để giải thích nguyên nhân của giảm phát. Lý thuyết này chỉ ra rằng có hai nguyên nhân lớn dẫn đến giảm phát: giảm cầu hoặc tăng cung.
Tổng cầu giảm
Giảm phát do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nguyên nhân chính của giảm phát lại chính là sự suy giảm của cầu. Theo mô hình cung cầu cơ bản, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, lượng hàng hóa vẫn như cũ thậm chí còn bị thừa dẫn đến giá hàng hóa giảm. Mất cân bằng Cung - Cầu trên thị trường sẽ dẫn đến cung lớn hơn cầu. Dư thừa hàng hóa kéo theo giá trị hàng hóa sụt giảm. Lúc này giảm phát xuất hiện. Việc giảm nhu cầu hàng hoá còn đến từ các nguyên nhân sau:
- Sự sụt giảm trong nguồn cung tiền: Các ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm chính về nguồn cung tiền tệ. Khi xảy ra tình trạng lạm phát cao, lúc này phía Ngân hàng Trung ương sẽ đưa ra những biện pháp như bán trái phiếu chính phủ hoặc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều này dẫn đến nguồn cung tiền giảm kéo theo giá trị đồng tiền tăng lên. Khi giá trị của đồng tiền cao hơn, giá cả hàng hoá cũng sẽ bị kéo xuống. Khi mọi người thấy lãi suất tăng, họ giữ lại nhiều tiền hơn và muốn chi tiêu ít hơn. Họ bắt đầu tiết kiệm hơn là chi tiêu, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường giảm xuống. Hệ quả cuối cùng sẽ tạo nên giảm phát.
- Suy giảm niềm tin: Các sự kiện kinh tế bất lợi chẳng hạn như đại dịch toàn cầu hay trong thời kỳ suy thoái có thể dẫn đến giảm nhu cầu tổng thể. Mọi người có thể trở nên bi quan hơn về tương lai của nền kinh tế. Do đó, họ muốn tăng tiết kiệm và giảm chi tiêu hiện tại.
Tổng cung tăng
Tổng cung cao hơn có nghĩa là các nhà sản xuất có thể phải giảm giá do cạnh tranh gia tăng. Sự gia tăng tổng cung này có thể xuất phát từ:
- Chi phí sản xuất giảm: Sự thay đổi trong cấu trúc thị trường vốn giúp các doanh nghiệp có nhiều phương án hơn nhằm tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí. Đặc biệt, khi Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ các khoản vay với lãi suất thấp kèm theo nhiều ưu đãi hơn sẽ là tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tăng thêm vốn đầu tư. Khi người sản xuất có thể sản xuất một mặt hàng với chi phí thấp hơn, họ có xu hướng tăng sản lượng, nâng cao mức cung của mặt hàng đó trên thị trường. Điều này có thể dẫn đến tình trạng dư cung trong nền kinh tế. Nếu nhu cầu không thay đổi, các nhà sản xuất sẽ cần phải hạ giá hàng hóa để cạnh tranh và lôi kéo người mua.
- Tiến bộ công nghệ, tăng năng suất: Công nghệ ngày càng phát triển và càng trở nên rẻ, việc dùng máy móc thay cho lao động chân tay đã làm cho chi phí sản xuất ngày càng giảm bớt, và thời gian và chi phí tạo ra sản phẩm mới cũng giảm. Thêm vào đó, bản thân các sản phẩm cũng bị sao chép gần như là đồng thời và nhân rộng với giá thành còn rẻ hơn nữa. Kết quả là hàng hóa ngày càng rẻ, tràn ngập thị trường, tức là xảy ra hiện tượng sản xuất dư thừa. Lúc này, người người tiêu dùng được hưởng lợi bởi giá bán giảm thấp hơn, cùng một số tiền nhưng giờ đây họ có thể mua được nhiều hàng hoá hơn.
Phân biệt lạm phát và giảm phát
Lạm phát và giảm phát có thể xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chúng được coi là hai mặt của một đồng xu luôn song hành và khó tách rời. Tuy nhiên, mỗi khái niệm là có những ý nghĩa nhất định. Hãy cùng xem sự khác biệt giữa lạm phát và giảm phát là gì?
- Lạm phát khiến giá trị đồng tiền bị giảm đi. Ngược lại, giảm phát làm sẽ tác động làm tăng giá trị của tiền.
- Lạm phát ở mức vừa phải (2%) có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, giảm phát đa phần là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi xuống
- Lạm phát trong một số trường hợp được xem là có lợi cho người sản xuất. Giảm phát lại được coi là có lợi cho người tiêu dùng.
- Nguyên nhân gây ra lạm phát chủ yếu do các yếu tố Cung - Cầu. Trong khi đó giảm phát lại được gây nên bởi các yếu tố cung tiền và tín dụng.
- Lạm phát gây nên tình trạng phân phối tiền không đồng đều. Ngược lại, giảm phát sẽ dẫn đến giảm chi tiêu và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Ảnh hưởng của giảm phát tới nền kinh tế
Cũng như lạm phát, bản thân giảm phát có cả tác động tích cực, lẫn tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với những nguyên nhân gây ra chúng.
Tác động tích cực: nếu giảm phát hình thành như là kết quả tự nhiên của những nỗ lực chống lạm phát cao trước đó, thì đương nhiên, lợi ích của giảm phát lúc này chính là các lợi ích của việc kiềm chế thành công lạm phát cao đem lại. Hoặc, nếu giảm phát gia tăng do giảm chi phí sản xuất nhờ thúc đẩy tiến bộ công nghệ hoặc tự do hoá mậu dịch, thì sẽ rất có lợi, bởi khi đó giá hạ sẽ làm tăng thu nhập thực tế, làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất phát triển. Ngày nay, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin làm giảm chi phí chung cả trong sản xuất lẫn dịch vụ xã hội. Bằng cách giảm bớt rào cản truy cập và phổ biến thông tin, mạng Internet cũng góp phần hạ giá một loạt mặt hàng. Tất cả các nguồn giảm phát này đều tác dụng tốt đối với nền kinh tế.
Ngược lại, giảm phát là một cơn ác mộng khủng khiếp đối với mọi nền kinh tế, nếu nó vượt quá ngưỡng và kéo dài. Đối với ngành sản xuất, việc giá hàng hóa sụt giảm làm cho doanh thu của các công ty sẽ ít đi dẫn đến mất động lực sản xuất. Việc trả công cho nhân viên cũng như vậy, với lượng doanh thu giảm mà vẫn phải giữ nguyên chi phí nhân công, dần dần các công ty sẽ không còn đủ kinh phí nữa và điều tất yếu sẽ xảy ra là thất nghiệp.
Với nền tài chính, đồng nội tệ tăng giá trị sẽ làm cho nhiều người muốn giữ tiền mặt hơn là đi tiêu xài, hạn chế hoặc trì hoãn tiêu dùng với hy vọng "giá hàng ngày mai sẽ thấp hơn giá hàng hôm nay" . Đồng thời làm giảm cầu, giảm sức tiêu dùng thị trường, buộc các công ty phải tiếp tục giảm giá hàng, giảm sản lượng sản xuất, giảm tiền lương và giảm khả năng bố trí công ăn việc làm đưa đến thất nghiệp. Chính điều này làm cho các dòng chảy tiền tệ bị ứ đọng, cầu đã giảm còn giảm hơn. Cung nội tệ thiếu, các dòng vốn bị tắc nghẽn làm cho các doanh nghiệp trên thị trường thiếu vốn để đầu tư.
Ngay cả khi với một doanh nghiệp tìm đủ nguồn tiền để đi vay, giảm phát cũng kìm kẹp lại quyết định đi vay của doanh nghiệp đó do giá trị khoản vay ngày càng tăng. Điều này cũng được áp dụng đối với các món nợ hiện tại sẽ càng ngày tăng trong tương lai của doanh nghiệp.
Với nền kinh tế vĩ mô, nếu giảm phát không được can thiệp kịp thời, thì giảm phát sẽ trở nên ngày càng dai dẳng. Khi mà giá cả giảm, tình trạng thiếu việc làm và người tiêu dùng tích trữ tiền với dự đoán là giá cả còn giảm nữa thì điều này sẽ làm hại nền kinh tế, như kiểu truyền lực cho thói quen tiết kiệm và cứ thế xoáy xuống.
Việc giảm giá, nếu tồn tại, sẽ tạo ra một vòng xoáy xấu dẫn đến giảm lợi nhuận, đóng cửa các nhà máy, thất nghiệp gia tăng, giảm thu nhập và làm tăng việc vỡ nợ từ các khoản vay của công ty và cá nhân.
Một số biện pháp đối phó với giảm phát
Để chống lại quá trình giảm phát với tất cả những tác hại tiêu cực của nó, thường áp dụng những giải pháp "ngược chiều" với chống lạm phát.
Giảm giới hạn dự trữ ngân hàng
Trong hệ thống ngân hàng dự trữ phân đoạn các ngân hàng sử dụng tiền gửi để tạo ra các khoản vay mới. Theo quy định, các ngân hàng dự trữ chỉ được phép làm như vậy trong phạm vi giới hạn dự trữ. Giới hạn đó thường được đặt ở mức khoảng 5-10%.
Hoạt động thị trường mở
Các ngân hàng trung ương có thể kích thích tăng cung tiền và khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn bằng cách mua chứng khoán quỹ trên thị trường mở và đổi lại, phát hành tiền mới cho người bán. Giống như bất kỳ hàng hóa nào khác, giá tiền được xác định bởi cung và cầu của nó. Nếu cung tiền tăng lên, nó sẽ bị mất giá. Xem lại: 7 yếu tố tác động đến lượng cung tiền trong nền kinh tế
Giảm lãi suất mục tiêu
Các ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất mục tiêu đối với các khoản tiền ngắn hạn được cho vay trong và ngoài khu vực tài chính. Việc hạ lãi suất làm cho việc vay tiền trở nên rẻ hơn và khuyến khích đầu tư mới bằng cách sử dụng tiền đi vay. Nó cũng khuyến khích các cá nhân mua nhà hoặc các tài sản khác bằng cách giảm chi phí hàng tháng.
Nới lỏng định lượng
Khi lãi suất danh nghĩa được hạ xuống hoàn toàn bằng 0, các ngân hàng trung ương phải sử dụng các công cụ tiền tệ độc đáo. Nới lỏng định lượng là khi chứng khoán tư nhân được mua trên thị trường mở, ngoài kho bạc. Điều này không chỉ bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính mà còn làm tăng giá của các tài sản tài chính, khiến chúng không giảm thêm nữa.
Lãi suất âm
Một công cụ độc đáo khác là đặt lãi suất danh nghĩa âm. Chính sách lãi suất âm có nghĩa là người gửi tiền phải trả thay vì nhận lãi từ tiền gửi. Khi việc gửi tiền tại ngân hàng trở nên tốn kém, người dân sẽ có xu hướng sử dụng số tiền mình có vào việc tiêu dùng hoặc đầu tư vào các tài khoản hay dự án thu được lợi nhuận tích cực hơn.
Tăng chi tiêu của chính phủ
Các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes ủng hộ việc sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy tổng cầu và kéo một nền kinh tế ra khỏi thời kỳ giảm phát. Nếu các cá nhân và doanh nghiệp ngừng chi tiêu, thì sẽ không có động lực để sản xuất và tuyển dụng người lao động. Chính phủ có thể tham gia với tư cách là người chi tiêu cuối cùng để duy trì hoạt động sản xuất và việc làm. Chính phủ thậm chí có thể vay tiền để chi tiêu bằng cách gây ra thâm hụt tài chính. Lúc này, các doanh nghiệp và nhân viên sẽ sử dụng số tiền chính phủ đó để chi tiêu và đầu tư cho đến khi giá bắt đầu tăng trở lại theo nhu cầu.
Một chút giảm phát có thể là yếu tố tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhìn trong bức tranh toàn cảnh khi lạm phát bùng phát mạnh sẽ gây ra khủng hoảng và suy thoái tài chính. Nhưng một khi giảm phát quá đà thì sức tàn phá nền kinh tế của giảm phát lại nặng nề vô cùng. Chúng tôi hy vọng những chia sẻ xoay quanh khái niệm “giảm phát là gì” đề cập trong bài viết này đã giúp ích cho các nhà đầu tư cũng như các bạn đọc yêu thích, quan tâm tới các kiến thức kinh tế.