Trên thương trường sôi động, hoạt động mua bán, sáp nhập công ty trở nên thường xuyên và không ngừng. Đằng sau những giao dịch đầy kịch tính này, tồn tại một nhóm”hiệp sĩ” đặc biệt. Trong bài viết này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về “hiệp sĩ vàng” – người khởi xướng sự thâu tóm nhưng thay đổi chiến thuật linh hoạt để đạt được mục tiêu.
Hiệp sĩ vàng là gì?
Hiệp sĩ vàng (hay Yellow Knight) nói đến một công ty lên kế hoạch thực hiện thâu tóm đối thủ, nhưng sau đó họ từ bỏ và đề xuất một cuộc sáp nhập bình đẳng với công ty mục tiêu.
Hay nói cách khác, thay vì chiếm đoạt công ty mục tiêu như ban đầu, hiệp sĩ vàng muốn tạo ra sự hợp tác bình đẳng giữa cả hai, để cùng phát triển và hướng tới mục tiêu chung.
Đặc điểm của Hiệp sĩ vàng
Hiệp sĩ vàng là những người bắt đầu một cách quyết liệt, họ cố gắng mua lại một công ty dù quản lý công ty đó không đồng ý, nhưng sau đó thay đổi quyết định, từ bỏ kế hoạch và đề xuất hợp nhất thay vì tiếp tục mua lại.
Họ có nhiều lý do để rút lui khỏi cuộc thâu tóm. Nhưng thường do nhận ra rằng công ty mục tiêu có chi phí cao hơn hoặc có các biện pháp phòng thủ tốt hơn so với những gì họ nghĩ. Do đó, họ cần thay đổi chiến lược của mình.
Nếu bị từ chối và phản kháng quyết liệt, hiệp sĩ vàng sẽ nhận thấy mình đang trong tư thế đàm phán yếu, và họ thấy rằng việc hợp nhất thân thiện có thể là lựa chọn hợp lý để có được tài sản của công ty mục tiêu.
Tại sao những loại công ty này được gọi là “hiệp sĩ vàng”? Vì màu vàng tượng trưng cho sự hèn nhát và gian dối.
Các loại “hiệp sĩ” khác trong M&A
Trong các hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A), công ty mua có thể được gọi là “hiệp sĩ” với các màu sắc khác nhau. Ngoài hiệp sĩ vàng, còn có:
Hiệp sĩ đen (Black Knight)
Hiệp sĩ đen là những công ty thực hiện đề nghị thâu tóm mà không nhận được đồng ý và mang tính thù địch. Khác với hiệp sĩ vàng, họ không từ bỏ mục tiêu của mình dễ dàng.
Họ thường dùng cách áp bức để độc chiếm quyền lực và có mục tiêu khác với những gì ban lãnh đạo công ty mục tiêu đang cố gắng đạt được.
Hiệp sĩ trắng (White Knight)
Ngược lại với hiệp sĩ đen, hiệp sĩ trắng là lực lượng thân thiện được giao nhiệm vụ giải cứu công ty mục tiêu khỏi sự kiểm soát thù địch của một nhà mua khác.
Họ sẽ đồng ý giúp đỡ bằng cách đưa ra một đề nghị thâu tóm thân thiện và bảo vệ hoạt động cốt lõi của công ty bị mua lại.
Thông thường, hiệp sĩ trắng sẽ đề xuất những điều kiện thâu tóm tốt hơn cho công ty mục tiêu và thể hiện một cam kết lâu dài với công ty đó.
Hiệp sĩ xám (Grey Knight)
Trong quá trình tiếp quản hoặc mua lại công ty, hiệp sĩ xám để chỉ một bên thứ cấp hay nói cách khác là nhà thầu thứ hai. Mặc dù không đưa ra điều kiện lý tưởng như hiệp sĩ trắng, nhưng ít nhất, họ được xem là một sự lựa chọn hấp dẫn hơn so với hiệp sĩ đen.
Họ lấy đó làm cơ hội đàm phán để đạt được thỏa thuận. Hiệp sĩ xám có thể trả giá cao hơn người trả giá đầu tiên hoặc đưa ra giải pháp tốt hơn cho công ty mục tiêu so với sự thâu tóm thù địch của hiệp sĩ đen.
Ví dụ về hiệp sĩ vàng
Giả sử công ty A là một công ty sản xuất ô tô có quy mô lớn và công ty B là một công ty công nghệ chuyên về phần mềm tự động hóa xe hơi.
Công ty A nhận thấy tiềm năng công nghệ phần mềm của công ty B và quyết định thâu tóm nó để tích hợp vào sản phẩm của mình. Tuy nhiên, quản lý của công ty B không đồng ý vì nhận thấy đề nghị đó không thích hợp cho công ty và cổ đông của mình.
Sau khi nhận thấy sự phản kháng mạnh mẽ từ công ty B và nhận ra giá trị thực của công ty này có thể cao hơn dự kiến, công ty A quyết định thay đổi chiến lược. Thay vì thâu tóm, công ty A đề xuất một cuộc hợp nhất bình đẳng, trong đó cả 2 sẽ hợp tác và tạo thành một liên minh mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ ô tô.
Đề nghị của công ty A là cho công ty mục tiêu trở thành một đơn vị công nghệ độc quyền, phụ trách các giải pháp phần mềm cho sản phẩm ô tô của mình .
Trong trường hợp này, công ty A trở thành hiệp sĩ vàng vì sự nhút nhát và thay đổi ý định ban đầu.
Như vậy, qua bài viết trên, có thể thấy không phải lúc nào việc thâu tóm cũng là quyết định đúng đắn. Thay vì chỉ tập trung vào việc “thôn tính” và tận dụng, hiệp sĩ vàng đã biết cách xây dựng một mô hình hợp tác mang lại lợi ích cho cả đôi bên.