Khi nói đến thị trường chứng khoán thì không ít những câu chuyện kinh dị cũng như những huyền thoại lùa gà chuyên đi dụ dỗ...
Khi nói đến thị trường chứng khoán Việt Nam thì không ít những câu chuyện kinh dị cũng như những huyền thoại lùa gà chuyên đi dụ dỗ các nhà đầu tư non trẻ mới bắt đầu tham gia vào thị trường. Trong nỗ lực mới nhất để làm trong sạch thị trường đến từ cơ chế quản lý nhà nước, những cái tên đình đám như chủ tịch Trịnh Văn Quyết của FLC, chủ tịch Louis Capital, và chủ tịch Tân Hoàng Minh đều đã phải trả một cái giá rất đắt cho hành động thao túng thị trường nhằm trục lợi cho bản thân. Đối với những nhà đầu tư kinh nghiệm, Trịnh Văn Quyết không phải là một cái tên xa lạ - người vẫn thường được mọi người trìu mến gọi là "anh tôi" khi FLC tím và "thằng" khi FLC xanh lơ. Cách mà giá FLC dao động phá vỡ mọi quy luật lý thuyết kinh tế và đầu tư, vì thế cổ phiếu FLC là một mảnh đất màu mỡ dành cho các con bạc máu liều đang muốn tìm kiếm cảm giác phiêu lưu mạo hiểm. Sáng sàn chiều trần là một chuyện rất bình thường với FLC, hoặc ngược lại. Không biết bao lần cổ đông FLC đã bị úp bô khi đang đu đỉnh rồi phải đau đớn bán cắt lỗ, nhưng điều đáng tiếc ở đây là bài học này phải liên tục được học đi học lại qua hàng năm bởi tầng lớp nhà đầu tư F0 mới tham gia vào thị trường.
Nhân dịp chủ tịch FLC đã phải trả giá xứng đáng cho những hành động khinh thường pháp luật qua biết bao năm nay, người viết sẽ liệt kê các bí thuật mà đội lái thường sử dụng để thao túng giá cổ phiếu trên thị trường và dụ dỗ những người thiếu hiểu biết tham gia vào vòng xoáy thua lỗ tưởng chừng như là bất tận. Về cơ bản, tất cả phương thức thao túng giá đều có thể chia thành 2 thể loại cơ bản:
1. Pump and Dump - Thổi giá và xả
2. Poop and Scoop - Ép giá và mua hàng rẻ
Tung tin (đồn)
Tung tin (đồn) là phương thức cơ bản nhất và dễ thực hiện nhất trong tất cả các chiêu trò thao túng giá được sử dụng trên thị trường. Mặc dù chiêu thức này có tuổi đời rất lâu nhưng đến nay mức độ hiệu quả vẫn luôn được bảo đảm. Thông tin được tung ra trên thị trường vừa có thể là tin giả vừa có thể là tin có nội dung chính xác, điều quan trọng là thông tin này được sử dụng để thay đổi cảm xúc và tâm lý chung đang xuất hiện trên thị trường.
Con người vẫn luôn là loài động vật của cảm xúc, và bầy đàn. Cảm xúc có thể đảo chiều rất nhanh nếu như số lượng người thay đổi đủ nhiều để thuyết phục phần còn lại của thị trường. Nếu như bạn muốn thao túng giá một cổ phiếu X, điều đầu tiên bạn có thể làm là đăng tin thông qua các tờ báo lớn về các dự án bánh vẽ mà công ty X sẽ thực hiện trong thời gian tới, các tin (giả) về kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cũng như các bài báo PR đánh bóng tên tuổi của ban lãnh đạo. Giới hạn duy nhất ở đây là sự sáng tạo trong cách mà bạn muốn truyền những mẩu thông tin này đến đại chúng, bởi vì tất cả những gì bạn đang muốn làm là đẩy giá cổ phiếu X lên (pump) và sau đó và chốt lời bằng một đợt xả mạnh ra thị trường (dump).
Thông tin này không nhất thiết phải đến từ các tờ báo lớn uy tín mà cũng có thể đến từ một chuỗi các dạng tin tồn trôi nổi trên mạng được thiết kế tinh vi để đầu đọc nhận thức của người xem, và bạn không có cách nào để kiểm chứng mức độ tin cậy của các thông tin này vì bạn cũng không biết nó bắt đầu từ nguồn nào. Thực tế thì bạn cũng không cần phải làm điều đó vì cho dù nếu như bạn biết chắc chắn những tin này là tin đồn thất thiệt, bạn cũng không thể nào ngăn cản làn sóng xả hàng từ những nhà đầu tư đang lo lắng sợ hãi khi biết được những tin này. Điều này sẽ kéo theo các nhà đầu tư bầy đàn khác không biết điều gì đang xảy ra nhưng luôn hành động cùng với đám đông và xả hàng theo (poop), và ở đâu đó trên thị trường sẽ xuất hiện một nhóm nhỏ những người đang đứng ở bên kia của đầu giao dịch với mục đích gom hàng giá rẻ (scoop).
Tạo giao dịch mua bán (giả)
Đây là phương thức chủ đạo mà các công ty nằm trong hệ sinh thái FLC và hệ sinh thái của Louis Capital đã sử dụng để tạo mô hình cây thông huyền thoại (mô hình giá tạo đỉnh cây thông và sau đó đột ngột cắm đầu xuống mặt đất). Bằng cách dùng nhiều tài khoản khác nhau với một số lượng tiền vốn đủ lớn để kiểm soát một phần lớn số lượng cổ phiếu đang trôi nổi trên thị trường, các đội lái của FLC hoặc Louis Capital chuyển cổ phiếu từ tài khoản này sang tài khoản khác bằng cách tạo ra các giao dịch mua bán ảo (dĩ nhiên là với giá trần), đi cùng với các lệnh mua bán ảo sẽ là sự gia tăng đột biến trong thanh khoản giao dịch. Các nhà đầu tư non nớt nhìn thấy giá màu tím và khối lượng giao lịch lớn là như mèo nhìn thấy mỡ, không cần suy nghĩ nhiều mà nhảy vào đua lệnh gom hàng tiếp tục đẩy giá tăng cao. Điều này sẽ tạo thành vòng lặp duy trì tốc độ tăng giá của cổ phiếu (pump) cho đến khi các đội lái quyết định rằng đã đến thời điểm để xả hàng và chốt lời (dump).
Bất kể khi nào bạn thấy một công ty làm ăn lợi nhuận báo cáo thì chẳng bao nhiêu nhưng giá lại đang tăng dựng đứng thì hãy cẩn thận nếu không muốn trở thành con gà bị hiến tế. Dĩ nhiên là rất nhiều người tham gia vào cơn bão đầu cơ điên rồ này biết rõ mình đang làm điều gì, họ nghĩ rằng chỉ cần mình không phải là người cuối cũng ôm hàng nóng thì mọi chuyện sẽ ổn thôi, nhưng họ lại không biết rằng họ không phải là người duy nhất nghĩ như thế khi tham gia mua hàng đầu cơ những mã như FLC. Ai cũng nghĩ là mình sẽ có thể thoát hàng trước người khác - chỉ có họ là đủ thông minh để làm điều này trong khi những người khác là những con gà ngu ngốc sẽ bị kẹt hàng trên đỉnh. Ai cũng rất tự tin vào khả năng của bản thân sẽ thoát hàng ngay trước thời điểm thị trường có biến mà không nghĩ rằng mình cũng chỉ là một nhà đầu cơ đang có cùng suy nghĩ như bao nhà đầu cơ khác đang tham gia vào trò chơi mạo hiểm này.
Có một điều người viết có thể chắc chắn với đọc giả là đa phần những người này sẽ bị thua lỗ vì có một quy tắc cơ bản trong cờ bạc là bạn không thể thắng nổi nhà cái, nếu nhà cái tạo ra cuộc chơi mà họ để bạn thắng tiền thì họ tạo ra cuộc chơi làm gì? Bạn có bao giờ thấy một sòng casino nào được tạo ra mà số tiền họ thua nhiều hơn số tiền họ thắng không?
Cưỡi gấu ra trận (bear raiding)
Tên tiếng Anh của chiêu trò này được gọi là bear raiding, người viết dịch một cách nôm na dí dỏm là cưỡi gấu ra trận. Trong chứng khoán, thị trường gấu là thị trường đi xuống, và do đó bear raiding có thể hiểu là kỹ thuật được sử dụng để cố tình tạo lập một thị trường gấu. Mục đích cuối cùng của cưỡi gấu ra trận có thể chia thành hai thể loại sau đây:
1. Ép giá giảm sâu để mua hàng rẻ (poop and scoop)
2. Ép giá giảm sâu để những ai có vị thế bán khống sinh lời
Trường hợp 1 thì mình đã giải thích nên sẽ không dài dòng nữa nhé. Trường hợp 2 thì phổ biến ở thị trường phương Tây hơn Việt Nam. Việt Nam hiện tại vẫn chưa cho phép bán khống cổ phiếu, bạn chỉ có thể làm điều này một cách gián tiếp thông qua phái sinh. Về cơ bản, bán khống là khi bạn nghĩ rằng giá cổ phiếu X sẽ đi xuống và bạn muốn kiếm lời từ dự đoán của mình, bạn sẽ vay mượn một số lượng cổ phiếu X và bán ra thị trường ngay lập tức, sau đó nếu như thị trường đi xuống giống như dự đoán của bạn thì bạn mua lại số lượng cổ phiếu trên với giá thị trường và trả lại cho người đã cho bạn vay cổ phiếu X, bạn ăn tiền lời từ phần chêch lệch.
Nếu một cá mập đang sở hữu một vị thế bán khống khổng lồ với công ty X và muốn kiếm lời tối đa từ vị thế này, họ có thể hợp lực cùng những cá mập khác đang có cùng vị thế bán khống và cùng nhau cưỡi gấu ra trận ép giá cổ phiếu X xuống một cách thê thảm. Về cơ bản, cưỡi gấu ra trận là hành vi thông đồng của một nhóm người nhằm tạo ra một tâm lý bất an và tiêu cực bao trùm lên cổ phiếu một công ty với mục đích làm cho giá cổ phiếu công ty đó rớt nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất để những người có vị thế bán khống có thể sinh lời một cách tối đa nhất. Đây là chiêu thức điển hình của giới đầu cơ Wall Street trong viêc thao túng giá thị trường, và Wall Street thường rất thành công với chiêu trò này, cho tới khi họ gặp trường hợp của Gamestop.
Hãy giả sử rằng bạn là người đầu tư dài hạn vào công ty Gerard Inc và bạn muốn giá cổ phiếu đi lên, nhưng bạn biết rằng có một nhóm cá mập đang nắm giữ một vị thế bán khống khổng lồ vào công ty này và họ đang muốn cưỡi gấu ra trận để tạo ra áp lực khổng lồ đẩy giá cổ phiếu đi xuống. Bạn có thể làm gì?
Bạn có thể làm như trường hợp của Gamestop, hợp lực tất cả những nhà đầu tư tiềm năng của Gerard Inc lại với nhau và thực hiện các lệnh mua khổng lồ để đẩy giá cổ phiếu đi lên. Về cơ bản đây là cuộc chơi đốt tiền giữa bên muốn giá đi lên (long) và bên muốn giá đi xuống (short). Bên bán khống sẽ muốn tạo ra lượng bán khổng lồ để tạo tâm lý tiêu cực lên giá cổ phiếu trong khi bên mua muốn điều ngược lại. Trong trường hợp phe bán khống không thành công đẩy giá đi xuống mà bị phe mua thành công đẩy giá đi lên để giết phe bán khống thì tình huống này được gọi là bóp nát vị thế khống (short squeeze). Và đây chính xác là những gì đã diễn ra với Gamestop. Vị thế khống bị bóp nát khi giá cổ phiếu đang bị khống bị đẩy lên một mức giá quá cao buộc những người đã cho phe khống vay cổ phiếu phải đưa ra yêu cầu thu hồi số cổ phiếu mà họ đã cho vay vì rủi ro đang tăng lên quá cao. Với nghĩa vụ của một người đi vay, phe bán khống không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải mua cổ phiếu với mức giá thị trường (ở mốc giá cao hơn mức giá mà họ đã bán ra ban đầu) để trả cổ phiếu lại cho chủ nợ của mình. Việc có các lệnh mua khổng lồ từ những tay to bán khống đang muốn đóng vị thế của mình sẽ càng đẩy giá cổ phiếu lên một tầm cao mới dẫn đến các đợt thu hồi tiếp theo từ các bên đã cho vay cổ phiếu đến những người bán khống khác. Đây là một vòng lặp kinh hoàng cho phe bán khống, và cũng là lí do cho cái tên bóp nát vị thế khống (short squeeze). Phe bán khống bị bóp nát một cách kinh hoàng khi họ không thể kiểm soát được vòng lặp tăng giá của cổ phiếu mà họ đang kỳ vọng là sẽ đi xuống.
Short squeeze diễn ra với phe bán khống Gamestop vào đầu năm 2021
Ép Margin Call (forced selling)
Thế giới tài chính toàn cầu đã từng bị rúng động bởi một trong những vụ Margin Call lớn nhất trong lịch sử liên quan đến Bill Hwang của Archegos Capital Management, người đã mất 20 tỷ USD chỉ trong 2 ngày bởi thói quen sử dụng tiền vay Margin một cách liều lĩnh và điên rồ. Nhờ liên tục sử dụng số lượng tiền vay lớn trong các thương vụ của mình trong quá khứ, Bill Hwang đã gia tăng số lượng tài sản được quản lý của Archegos với tốc độ chóng mặt. Margin đã từng là người trợ thủ đắc lực của Bill Hwang, cho tới khi nó trở thành quả bom nguyên tử phát nổ tan tành tất cả những thành tựu mà Archegos đã đạt được. Mất 10 năm để gầy dựng gia tài nhưng chỉ cần 2 ngày để mất tất cả - đó là điều mà Margin có thể làm với bất kỳ ai, cho dù đó có là một trong những con sói lão luyện nhất của Wall Street.
Margin Call diễn ra là khi các công ty chứng khoán cho rằng các tài khoản đang vay Magin quá cao sẽ trở nên cực kì rủi ro khi thị trường có biến, và do đó đem thanh lý và bán tháo số cổ phiếu mà các tài khoản này đang nắm giữ. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng trải qua các đợt bán tháo hoảng loạn khi số lượng Margin ở mức quá rủi ro, vòng lặp đi xuống được củng cố bởi các đợt Margin Call khác nhau mang tính dây chuyền đến từ các công ty chứng khoán với số lượng cổ phiếu khủng được bán giải chấp ra thị trường. Qua biết bao thị trường bò và thị trường gấu, nhà đầu tư vẫn phải học đi học lại rằng tiền vay Margin luôn là một con dao nguy hiểm hai lưỡi, và do đó kỹ năng kiểm soát rủi ro sẽ luôn là điều tiện tiên quyết để tồn tại lâu dài trên thị trường.
Margin Call là một trong những cơn ác mộng đáng sợ nhất với những người sở hữu tỷ lệ đòn bẫy cao trong tài khoản, những người đã từng bị Margin Call chắc chắn sẽ hiểu ý của người viết. Hiểu được mức độ sát thương nghiêm trọng của tình huống này, những con cá mập trên thị trường luôn muốn biến nó thành công cụ quyền lực để trục lợi cho bản thân. Do đó khi thị trường đang có số lượng tiền vay Margin tăng cao ở mức báo động thì xác suất khá cao sẽ diễn ra một vụ Margin Call mang tính dây chuyền lan rông ra trên khắp tất cả các ngành nghề. Ép Margin Call là một kỹ thuật thuộc thể loại poop and scoop, một nhóm cá mập sở hữu một số lượng cổ phiểu đủ lớn và đa dạng bao quát cả thị trường, khi biết rằng số lượng tài khoản rủi ro Full Margin trên thị trường đang ở mức cực kì nguy hiểm, sẽ muốn tạo ra cảm giác hoảng loạn thông qua các đợt Margin Call liên hoàn. Nhóm cá mập này sẽ khởi động vòng lặp rớt giá bằng những lệnh bán ban đầu với khối lượng khổng lồ và tâm lý tiêu cực của thị trường sẽ lo liệu phần còn lại. Mục đích cuối cùng là cố tình làm giảm giá cổ phiếu thị trường tới mức tối đa để họ có thể gom hàng giá rẻ và sau đó sẽ bán ra với mức giá cao hơn khi thị trường hồi phục.
Về cơ bản ép Margin Call để tạo tâm lý hoảng loạn trên thị trường là một kỹ thuật khá khó khăn để thực hiện thành công, chắc chắn là khó hơn rất nhiều khi áp dụng pump and dump với các công ty có vốn hóa nhỏ. Do đó chỉ có những cá mập tay to nhất với nguồn cổ phiếu khủng có khả năng bao quát thị trường mới đủ tự tin để kích hoạt một tâm lý hoảng loạn trên thị trường, và chắc chắn là điều này chỉ được thực hiện khi họ biết rằng số lượng các tài khoản Full Margin đang ở mức báo động trên thị trường.
Nhà tạo lập thị trường (Market Maker) là thành phần quan trọng trong thị trường chứng khoán giúp cung cấp và duy trì thanh khoản cho thị trường. Nhà tạo lập là thành phần không thể thiếu để duy trì hoạt động cơ bản của thị trường chứng khoán Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư chưa hiểu rõ về MMs. Hãy cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Nhà tạo lập thị trường (MMs) là gì?
Nhà tạo lập thị trường (MMs) là ai?
Nhà tạo lập thị trường (MMs) là doanh nghiệp, một tổ chức hoặc trung gian riêng lẻ nắm giữ một lượng chứng khoán nhất định nhằm thúc đẩy giao dịch đối với loại chứng khoán đó.
Lợi nhuận mà nhà tạo lập kiếm được đến từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán trên các giao dịch của họ.
Trách nghiệm của MMs là đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư (NĐT) đối với một loại chứng khoán nhất định.
Cụ thể, khi một NĐT muốn bán (mua) một chứng khoán nhưng không có thành viên nào trên thị trường muốn mua (bán) chứng khoán đó thì MMs sẽ tiến hành thực hiện giao dịch.
Sự có mặt của MMs giúp tối ưu hóa quá trình giao dịch và giảm thiểu rủi ro thanh khoản cho NĐT. Vì vậy, NĐT có thêm điều kiện để mua/bán chứng khoán một cách thuận tiện nhất.
Đặc điểm của Market Maker
Market Makers phải hoạt động theo quy định của một sàn giao dịch nhất định. Và sàn giao dịch này phải được phê duyệt bởi cơ quan quản lý chứng khoán của một quốc gia như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Hoa Kỳ.
Nhà tạo lập thị trường cũng có thể là trung gian riêng lẻ. Tuy nhiên, đại đa số các nhà tạo lập sẽ làm việc thay cho tổ chức lớn. Điều này do quy mô chứng khoán cần thiết phải tạo thuận lợi cho khối lượng mua và bán.
Tùy theo trao đổi và tùy theo loại công cụ tài chính đang giao dịch như cổ phiếu hoặc quyền chọn mà quyền và nghĩa vụ của các nhà tạo lập sẽ khác nhau.
Loại hình phổ biến nhất của nhà tạo lập là nhà môi giới cung cấp các giải pháp mua và bán cho các nhà đầu tư với nỗ lực giữ cho thị trường tài chính thanh khoản.
Nhà tạo lập được lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Và họ có lợi cho thị trường bằng cách tăng tính thanh khoản.
Vai trò của nhà tạo lập thị trường là gì?
Nhà tạo lập thị trường có hai vai trò rất quan trọng
Cơ chế tạo lập thị trường( MM)
Chào giá khi có yêu cầu
Nhà tạo lập thị trường thực hiện chào giá khi có yêu cầu từ nhà đầu tư theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán (SGD CK) về khối lượng tối thiểu, thời gian tối thiểu và thời gian niêm yết giá.
Hình thức này giúp MMs giảm bớt áp lực hơn so với chào giá liên tục. Tuy nhiên, đây là điều không thuận lợi cho NĐT, vì khi muốn thực hiện, NĐT cần có thời gian để làm lệnh yêu cầu MMs chào giá.
VD: SGD CK Phái sinh Đài Loan (TAIFEX) quy định về chào giá khi có yêu cầu của NĐT như sau: MMs phải chào giá 2 chiều, Khối lượng giao dịch đạt tối thiểu tùy theo hợp đồng, Thời gian lệnh chào giá tối thiểu là 20 giây.
Chào giá liên tục
Với hình thức này, MMs phải thực hiện chào giá 2 chiều (lệnh mua và lệnh bán) hoặc 1 chiều (lệnh mua hoặc bán) liên tục trong phiên giao dịch.
Khi chào giá liên tục, MM vẫn cần tuân thủ quy định của Sở giao dịch Chứng khoán về: Khối lượng giao dịch tối thiểu mỗi lệnh, Khoảng thời gian chào giá, Thời gian tồn tại tối thiểu, …
VD: Sở giao dịch Chứng khoán London quy định MMs phải duy trì niêm yết lệnh tối thiểu 90% tổng thời gian giao dịch trong ngày và theo đúng quy định chênh lệch giá mua/bán tối đa.
Khi MMs liên tục chào giá sẽ tạo nên tính “thanh khoản” cho một loại chứng khoán nhất định. Từ đó, NĐT có thể tham khảo và ra quyết định giao dịch tốt hơn.
Hình thức chào giá liên tục yêu cầu MMs phải thường xuyên nghiên cứu thị trường để đưa ra mức chào giá hợp lý nhằm cạnh tranh với những MMs khác trên thị trường. Vì vậy, hình thức này phù hợp nhất với những thị trường chứng khoán phát triển và MMs có nguồn lực tài chính lớn.
Cơ chế cung cấp thanh khoản( LP)
MMs cần đảm bảo nghĩa vụ với khối lượng giao dịch chứng khoán
Quyền lợi và nghĩa vụ theo cơ chế LP đơn giản hơn cơ chế MM. Theo cơ chế này, MMs chỉ cần đảm bảo nghĩa vụ khối lượng giao dịch hàng tháng, quý, năm đã đăng ký tạo với Sở Giao dịch hoặc Tổ chức phát hành chứng khoán.
Sự tham gia của các nhà tạo lập góp phần duy trì sự linh hoạt và tính thanh khoản của một loại chứng khoán.
Bên cạnh đó, MMs còn giúp tăng khả năng thực hiện giao dịch của chứng khoán. Nhờ điều này mà sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với loại chứng khoán đó.
VD: Với TTCK Hàn Quốc, trường hợp đặt giá mua chênh lệch với giá đặt bán của cổ phiếu vượt quá tỷ lệ quy định thì MMs có trách nhiệm thực hiện chào giá để giảm khoảng cách chênh lệch. Cụ thể, tỷ lệ chênh lệch là 3% (với KOSPI) và 2% (với KOSDAQ), khối lượng tối thiểu là 5 lần đơn vị giao dịch (với KOSPI) và 10 lần đơn vị giao dịch (với KOSDAQ).
Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ đánh giá hoạt động này của MMs định kỳ theo tháng, quý, năm. Và dựa vào các báo đánh giá, Sở Giao dịch sẽ đưa ra quyết định giảm phí giao dịch hoặc có chế độ đãi ngộ cho MMs.
Cách để nhà tạo lập thị trường kiếm được lợi nhuận như thế nào?
Những cách để nhà tạo lập thị trường kiếm được lợi nhuận
Lợi nhuận mà nhà tạo lập kiếm được sẽ từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán trên các giao dịch của họ.
Ví dụ: Một nhà tạo lập thị trường mua cổ phiếu với mức giá là 100 USD. Tuy nhiên, khi bán cho người mua tiềm năng lại với giá 100.05 USD. Như vậy, phần chênh lệch 0.05 USD đó sẽ là lợi nhuận mà nhà tạo lập kiếm được.
Mặc dù những chênh lệch giữa giá mua và giá bán không quá lớn. Tuy nhiên, khi những chênh lệch nhỏ này kết hợp với nhau. Đi cùng với đó là khối lượng lớn giao dịch diễn ra trong ngày lớn sẽ giúp nhà tạo lập có được mức lợi nhuận khổng lồ.
Trên đây là giải đáp toàn bộ thông tin về nhà tạo lập thị trường là ai. DNSE hy vọng những chia sẻ trên mang tới cho quý vị độc giả nhiều thông tin bổ ích!